Những người mắc bệnh COPD có khả năng bị cảm lạnh và cảm cúm nhiều hơn so với người bình thường, các biến chứng tiềm ẩn cũng có thể nghiêm trọng hơn.
Virus cảm lạnh và cúm khi xâm nhập vào người mắc bệnh COPD có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Trên thực tế, hầu hết các đợt cấp COPD đều do nhiễm trùng đường hô hấp với nguyên nhân là cảm lạnh thông thường và cúm. Theo một nghiên cứu, nguy cơ các triệu chứng COPD nặng hơn cao gấp 30 lần ở những người bị cảm lạnh.
Để hạn chế đợt cấp COPD vào mùa lạnh, hãy tham khảo các cách thức dưới đây.
Cách ngăn ngừa cảm lạnh và cúm
Hãy tiêm phòng cúm
Các chuyên gia khuyến nghị nên tiêm phòng cúm từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ mắc COPD. Theo Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ, cúm có thể gây tử vong ở những người mắc bệnh COPD và tiêm phòng cúm là biện pháp bảo vệ tốt nhất hiện có. Hãy nhớ rằng các chủng cúm thay đổi từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao việc tiêm phòng hàng năm lại quan trọng.
Hãy vận động gia đình và người thân cùng tiêm phòng cúm. Nghiên cứu cho thấy rằng điều quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nhất là với những người mắc bệnh COPD đó là môi trường sống xung quanh cũng là những người đã tiêm phòng. Điều này làm giảm khả năng tiếp xúc với vi-rút cúm.
Ngoài tiêm phòng, hãy chủ động tránh tiếp xúc với các ổ bệnh, người bị mắc các loại cúm vì có thể bị lây lan nhanh chóng mà người bệnh không hề hay biết.
Tiêm vắc xin ngừa viêm phổi
Nếu chưa mắc viêm phổi, mũi tiêm phòng viêm phổi sẽ giúp những người mắc bệnh COPD tránh được các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn. Thông thường viêm phổi xuất phát từ một số loại phế cầu khuẩn nên việc tiêm phòng phế cầu khuẩn sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc phòng ngừa viêm phổi.
Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng
Rửa tay trước và sau khi ăn, khi nào ra ngoài cũng như đi về, chạm vào tay nắm cửa hoặc những nơi nhiều người tiếp xúc. Lưu ý hãy chà khắp bàn tay, giữa các ngón tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây để trôi sạch các vi khuẩn vi-rút.
Điều trị theo kế hoạch COPD được cá nhân hóa.
Hãy tham khảo bác sĩ những điều nên làm lập tức nếu có đợt cấp COPD. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm các loại thuốc cần dùng và các triệu chứng. Hãy chắc chắn rằng thuốc điều trị được dự trữ tại nhà để sử dụng khi cần gấp. Điều quan trọng là phải xin ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi dùng các loại thuốc này.
Đừng hút thuốc.
Ngừng hút thuốc là cách tốt nhất để tránh làm tổn thương thêm phổi. Hơn nữa, hút thuốc còn khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và có thể làm cho các triệu chứng cảm lạnh và cúm trở nên tồi tệ hơn.
Đọc thêm: Cách giảm triệu chứng COPD khi thời tiết lạnh.
Quản lý COPD khi thời tiết lạnh
Không khí lạnh hơn vào mùa thu và mùa đông có thể gây kích ứng đường thở dẫn đến thở khò khè, ho và khó thở nhiều hơn. Sự trao đổi chất của chúng ta trong thời tiết lạnh cũng tăng lên, do đó phải đốt cháy nhiều oxy hơn.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng COPD khi nhiệt độ giảm:
- Kiểm tra dự báo chất lượng không khí: Ô nhiễm có xu hướng cao hơn vào mùa đông và có thể gây nguy hiểm cho những người có triệu chứng COPD. Hãy theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí và cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể vào những ngày thời tiết khắc nghiệt.
- Tránh đốt củi, gỗ để sưởi ấm: Khói từ các nguyên liệu gỗ, củi, rơm có thể làm nặng thêm tình trạng phổi, đặc biệt nếu mắc bệnh phổi như COPD.
- Che mũi và miệng bằng khăn quàng cổ khi ra ngoài: Điều này giúp giữ cho không khí bạn hít thở ấm hơn, do đó có khả năng làm giảm khả năng tổn thương phổi do khí lạnh. Hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Ngoài ra, tránh tập thể dục bên ngoài khi trời lạnh.
Nguồn tham khảo: Everyday Health