Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gồm các tình trạng gây ảnh hưởng đến phổi của bạn. COPD gây khó thở với các triệu chứng có thể tiến triển theo thời gian và đôi lúc xuất hiện đợt cấp gây ra tình trạng tệ hơn. Hiện tại mặc dù không có cách chữa trị hoàn toàn bệnh COPD, tuy nhiên việc thay đổi lối sống cũng giúp bạn tăng cường sức khỏe và quản lý căn bệnh COPD này tốt hơn.
Nơi lý tưởng để bắt đầu cải thiện chất lượng không khí là ngay tại chính căn nhà của bạn. Thay đổi không khí trong nhà giúp bạn thở dễ dàng và sống thoải mái hơn. Bạn có thể thay đổi điều này bằng cách tạo ra sự lưu thông không khí và hạn chế các chất ô nhiễm như bụi và vi khuẩn.
Dưới đây là 14 cách để cải thiện chất lượng không khí trong nhà bạn:
Phòng ngủ
1. Giặt ga trải giường của bạn thường xuyên
Các chất dễ gây dị ứng như lông thú cưng và mạt bụi thường hay tìm thấy trên giường, ngoài ra đây là nơi rơi ra nhiều tế bào tóc, tế bào da khi nằm ngủ, dễ tạo thành môi trường cho vi khuẩn phát triển.
2. Sử dụng máy lọc không khí
Máy lọc không khí sử dụng bộ lọc không khí có hiệu quả cao. Có thể loại bỏ khoảng 99,97% hầu hết các hạt bụi nhỏ trong không khí và vi khuẩn có thể gây hại. Bạn cũng có thể cân nhắc việc đặt thêm máy lọc không khí trong các phòng khác như phòng ăn, phòng khách.
3. Bật quạt
Quạt trần hoặc quạt đứng sẽ giúp lưu thông không khí trong phòng của bạn, ngoài ra còn giúp giảm nhiệt độ vào những ngày nắng nóng.
Nhà tắm
4. Hạn chế sử dụng các sản phẩm có mùi thơm
Nước hoa, nến thơm và một số dụng cụ vệ sinh trong nhà tắm có thể gây ra các triệu chứng ở người bệnh COPD.
5. Sử dụng máy hút ẩm
Độ ẩm cao có thể thu hút vi khuẩn và nấm mốc phát triển mạnh. Máy hút ẩm sẽ loại bỏ độ ẩm trong không khí xuống dưới 50% để có được môi trường phù hợp cho người bệnh COPD.
Nhà bếp
6. Nhà bếp cần được thông gió tốt
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), khói tích tụ trong nhà với hệ thống thông gió kém có thể nguy hiểm hơn 100 lần so với mức độ bình thường. Trong nhà bếp cần lắp đặt đầy đủ các loại quạt hút để loại bỏ khói, độ ẩm và chất độc hại.
7. Tránh nấu ăn bằng nhiên liệu rắn
Các nhiên liệu rắn như gỗ , than củi, than đá, các nhiên liệu này gây ra nhiều khói, khí CO2 và gây ô nhiễm hơn. Những người bệnh COPD nếu hít phải sẽ làm các triệu chứng càng trở nên nặng hơn và có thể gặp phải các đợt cấp nguy hiểm.
8. Che đậy, vệ sinh thùng rác thường xuyên
Khi vứt rác vào thùng rác, các loại rác hữu cơ như thức ăn thừa có thể bị phân hủy nhanh và gây ra mùi, tạo nhiều loại vi khuẩn trong không khí. Ngoài ra nếu không vệ sinh thùng rác thường xuyên thì các chất bẩn, nấm mốc cũng có thể phát triển nhanh chóng trong thùng.
Đọc thêm: Lưu ý khi ăn uống của người bệnh mắc bệnh COPD.
Phòng khách
9. Làm sạch máy sưởi hoặc máy điều hòa
Hãy chắc chắn rằng lò sưởi hoặc điều hòa được thông hơi hoàn toàn. Đối với lò sưởi, máy sưởi nếu không được thông hơi hoàn toàn sẽ gây ra khói tích tụ làm xấu đi chất lượng không khí trong nhà. Còn với máy điều hòa, nếu lâu không vệ sinh sẽ tích tụ bụi bẩn trên máy gây ảnh hưởng tới chức năng và sự thông khí của căn phòng.
10. Làm sạch thảm
Thảm, rèm cửa có thể dễ dàng tích tụ bụi bẩn và các chất ô nhiễm khác bởi tính chất của chúng, vậy nên hãy chắc chắn hút bụi hai đến ba lần mỗi tuần.
Gác xép hoặc tầng hầm
11. Tránh rò rỉ và nước đọng
Rò rỉ và nước đọng có thể dẫn đến hình thành nấm mốc trên tường hoặc sàn nhà, từ đó tạo ra môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển.
12. Dọn dẹp đồ cũ
Những thứ bừa bộn như tập tài liệu, đồ dùng và quần áo cũ có thể gây tích tụ bụi gây ô nhiễm không khí.
Phần còn lại của ngôi nhà
13. Làm sạch thường xuyên cả nhà
Giữ ngôi nhà sạch sẽ giúp không khí trong nhà luôn trong lành. Tuy nhiên khi dọn dẹp cần lưu ý đảm bảo chất tẩy rửa sử dụng không chứa hóa chất độc hại khi hít phải.
14. Mở cửa sổ và cửa nhà thường xuyên
Mở cửa là cách dễ dàng để không khí được lưu thông và mang lại không khí tươi mới trong gia đình. Tuy vậy ở một số vị trí có nhiều khói bụi hay thường mưa gió thì cũng cần cân nhắc để tránh hút thêm bụi bẩn vào trong nhà.
Nguồn tham khảo: Healthline.com