0

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý thường gặp có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 thế giới và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, đây là bệnh có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng lại không nhiều người có kiến thức về căn bệnh này.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường do hẹp đường thở gây ra.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn được viết tắt là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây ra cho người bệnh giảm chức năng thông khí ở phổi, khiến luồng không khí ra vào khó khăn, nhất là với luồng khí thở ra. Người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp thậm chí là các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị ở giai đoạn sớm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường chia làm hai dạng:

  • Viêm phế quản mạn tính: Tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm, sưng tấy và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này chính là nguyên nhân gây ra khó thở và hẹp đường thở.
  • Khí phế thũng: Các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến suy yếu và vỡ ra, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường có nhiều triệu chứng và không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hô hấp khác. Nếu không đi khám, người bệnh sẽ bắt đầu có các tổn thương phổi xuất hiện và trầm trọng theo thời gian. Các dấu hiệu ban đầu bao gồm:

  • Khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất hoặc leo cầu thang.
  • Thở khò khè.
  • Thiếu năng lượng cả ngày, thậm chí kể cả khi nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Tức ngực thường xuyên.
  • Ho có đờm, thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.
  • Giảm cân nặng một cách không chủ đích (trong một thời gian dài ở giai đoạn sau).

Khi xuất hiện các biểu hiện ban đầu, người bệnh thường chủ quan và không đi khám, từ đó có thể dẫn đến các tiến triển nặng hơn. Thậm chí có thể sẽ phải trải qua các đợt cấp kéo dài ít nhất vài ngày. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp có thể khiến các triệu chứng trầm trọng và tồi tệ, khiến người bệnh có thể phải nhập viện điều trị ngay lập tức.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường phải điều trị bằng các liệu pháp oxy.

Với cá mức độ khó thở, có thể chia theo 5 mức sau:

  • Mức độ 0: Sinh hoạt bình thường, các hoạt động thể chất và leo cầu thang không gây khó thở.
  • Mức độ 1: Khó thở khi leo cầu thang từ 2 tầng trở lên.
  • Mức độ 2: Khó thở khi leo dốc với tốc độ bình thường.
  • Mức độ 3: Khó thở khi đi lại trên đường bằng phẳng với tốc độ bình thường.
  • Mức độ 4: Khó thở và thường xuyên phải dừng lại nghỉ khi đi lại với tốc độ bình thường.
  • Mức độ 5: Khó thở khi thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày như đánh răng rửa mặt, mặc quần áo.

Đọc thêm: Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có 2 nguyên nhân chính như sau:

  • Yếu tố nội tại: Do di truyền về gen như khuyết tật, thiếu hụt loại gen alpha 1 antitrypsin.
  • Yếu tố môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp,… Hút thuốc lá chiếm đến 90% các trường hợp mắc bệnh.

Theo nghiên cứu, khoảng 30% người hút thuốc trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện của COPD. Ngoài hút thuốc, thì tiếp xúc các khí bụi từ công việc cũng gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt trong đó có 10% gây ra các đợt cấp nguy hiểm.

Các yếu tố khác như bụi không khí, nhiễm độc không khí có thể gây ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển bệnh.

Your Shopping cart

Close