Lưu ý khi ăn uống của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

0

Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường xuyên gặp phải các đợt khó hô hấp vì vậy rất cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để kiểm soát tốt bệnh tình và duy trì sức khỏe. Vậy người mắc COPD nên ăn uống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Người bị phổi tắc nghẽn mạn tính nên uống nhiều nước

Uống nhiều nước giúp hỗ trợ làm ẩm đường thở, dễ dàng hơn trong việc hô hấp

Cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể (Từ 2 đến 3 lít mỗi ngày) hỗ trợ tăng độ loãng của các chất nhầy trong cơ thể, giúp loại bỏ chúng dễ dàng hơn khi ho, khạc đờm. Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân COPD gặp phải các biến chứng, thì bổ sung lượng nước như thế nào, và mỗi lần khoảng bao nhiêu phải có sự hướng dẫn từ bác sĩ.

Ngoài việc cung cấp nước đầy đủ, người mắc phải phổi tắc nghẽn mạn tính cũng cần hạn chế các loại đồ uống có chứa caffein (Như cà phê, trà, soda, nước ngọt, nước tăng lực,…) và các loại đồ uống có cồn. Những đồ uống này có thể gây ra các phản ứng tiêu cực trong việc hồi phục và điều trị bệnh.

Theo dõi cân nặng của người mắc CPOD thường xuyên

Chế độ ăn khoa học giúp người bệnh COPD kiểm soát được các đợt cấp

Thông thường, những người bị viêm phế quản mạn tính có xu hướng béo phì, ngược lại những người mắc khí phế thũng lại hay thiết cân. Do vậy, việc theo dõi cân nặng thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn, dinh dưỡng của người bệnh sẽ là một yếu tố quan trọng trong điều trị và phục hồi sức khỏe cho người mắc COPD.

Nếu bị thừa cân

Khi bị thừa cân, nhu cầu hấp thụ oxy sẽ tăng và có thể khiến tim phổi phải làm việc nhiều hơn từ đó gây khó khăn trong quá trình hô hấp. Người mắc bệnh COPD nên có những hướng dẫn về chế độ ăn uống từ phía bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đạt được số cân nặng phù hợp hơn.

Nếu bị thiếu cân

Ở một vài bệnh nhân mắc COPD, việc hô hấp khó khăn khiến họ mệt mỏi thường xuyên và gây ra chán ăn, dẫn đến cơ thể suy nhược, sụt cân. Trung bình, một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tiêu hao năng lượng gấp 10 lần khi thở so với những người bình thường. Do đó, nếu không đạt đủ lượng chất nạp vào cơ thể, người bệnh rất có thể sẽ gặp phải nhiều biến chứng và hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh cần cân nhắc chế độ ăn uống để nạp các chất lành mạnh vào cơ thể, tránh các loại dầu mỡ, chiên rán và các đồ uống có chất kích thích.

Đọc thêm: Biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Cách ăn uống của người bệnh COPD

Ăn nhiều bữa ăn nhỏ

Theo các chuyên gia, bệnh nhân hô hấp nói chung và bệnh COPD nói riêng không nên ăn quá no mà nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (5-6 bữa). Khi ăn như vậy sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, đỡ gây đầy bụng, căng dạ dày giúp phổi có đủ không gian để mở rộng và thở dễ dàng hơn.

Khi ăn các bữa ăn, thì người bệnh COPD cũng nên ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ, nuốt chậm, và tránh ăn các loại thực phẩm dai, khó nuốt.

Ăn bữa sáng đầy đủ

Để bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng và hỗ trợ cho hệ hô hấp tốt nhất, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn một bữa sáng sớm nhất có thể khi thức dậy.

Tư thế ngồi ăn

Một điều rất bình thường trong bữa ăn là tư thế ngồi ăn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khi ăn uống và hỗ trợ hô hấp của người bệnh COPD. Khi ăn, người bệnh nên ngồi trên ghế cao, thẳng lưng để hạn chế áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành gây tình trạng khó thở.

Nguồn tham khảo: https://tamanhhospital.vn/ – BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Your Shopping cart

Close