Chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD) như thế nào?

0

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh mạn tính xảy ra do tắc nghẽn luồng khí thở trong phổi. Nguyên nhân gây bệnh thông thường là do tiếp xúc nhiều với các loại khí độc hại, khói thuốc lá.

Triệu chứng của bệnh COPD giai đoạn đầu bao gồm: Khó thở, tức ngực, ho, đờm thường xuyên,… Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có thể trải qua nhiều đợt cấp, trong đó các biểu hiển trên sẽ trở nên nặng hơn và có ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.

Tác hại của COPD đến sức khỏe người bệnh

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh COPD sẽ càng khiến các triệu chứng tồi tệ hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Tràn khí màng phổi

Khi gặp tình trạng tắc nghẽn đường thở trong thời gian dài, hiện tượng khí hít vào trong phế nang sẽ không thở ra hết được, lượng khí này được tích tụ làm phế nang bị căng giãn, dễ vỡ gây tràn khí màng phổi. Người gặp phải biến chứng này có thể bị suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị sớm.

Biến chứng bệnh tim

Khi các tổn thương từ phổi càng nhiều thì áp lực máu đi vào trong tuần hoàn phổi càng tăng gây áp lực ngược lại lên tim, lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng suy tim phải, thậm chí là suy tim toàn bộ.

Giảm tuổi thọ

Người mắc bệnh COPD sẽ có thời gian sống giảm hơn so với người không mắc bệnh, khi gặp phải các biến chứng hay triệu chứng nặng hơn thì thời gian sẽ càng bị rút ngắn lại. Thống kê cho thấy 30% bệnh nhân COPD không qua khỏi vì suy hô hấp cấp, 13% là do suy tim. Các nguyên nhân tử vong khác là nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi,…

Đọc thêm: Biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Cách chăm sóc bệnh nhân COPD như thế nào?

Chế độ ăn uống

Việc ăn uống của người mắc bệnh COPD luôn khó khăn hơn bình thường do thường bị khó thở, khiến chán ăn, ăn ít hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy 70% bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính có biểu hiện thiếu hụt dinh dưỡng. Từ suy dinh dưỡng, sức khỏe của người bệnh càng suy giảm, dẫn đến các đợt cấp COPD hoặc các bệnh khác tấn công.

  • Về chế độ ăn, người bệnh cần ưu tiện đạm và chất béo (từ cá, dầu thực vật, hạn chế chất béo từ gia cầm, nội tạng động vật). Ngoài ra, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất bằng rau, củ quả, đặc biệt là rau củ giàu vitamin A, E, C.
  • Tránh ăn nhiều tinh bột, thực phẩm dễ sinh hơi như gia vị cay nóng, hành tây,… dễ gây trướng bụng, khiến khó thở, trào ngược ở bệnh nhân.
  • Người bệnh COPD nên chia bữa ăn từ 5-6 bữa nhỏ một ngày, các món ăn cần chế biến mềm, dễ nhai dễ nuốt. Khi ăn người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn từng miếng nhỏ.
  • Người bệnh cũng nên chú ý uống nhiều nước (Khoảng 2 lít mỗi ngày) giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện ho khác đờm dễ dàng. Hạn chế uống các loại thức uống kích thích và có cồn như rượu bia, cà phê,…

Chế độ vận động

Người mắc bệnh COPD cần có sự vận động thường xuyên để tăng cường sức khỏe, nhưng cũng không nên tập quá nặng dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng hô hấp gây tác dụng ngược:

  • Đi bộ đạp xe: Đây là một lựa chọn phổ biến để có thể tập luyện và tăng cường sức khỏe. Tuy vậy không nên đi và đạp quá nhanh, nếu cảm thấy quá sức, khó thở nên dừng lại và nghỉ ngơi cho đến khi ổn định.
  • Các bài tập thở: Một bài tập quen thuộc trong các bệnh viện điều trị hô hấp, tập thở chúm môi, tập ho,… đều là các bài tập hữu ích cho người bệnh COPD.

Vệ sinh cá nhân

Đối với các bệnh nhân COPD ở giai đoạn sau, việc làm những công việc như vệ sinh cá nhân cũng gây ra sự khó thở và đôi khi không thể thực hiện được. Tuy nhiên, vì đây là một công việc nhạy cảm của cá nhân, nên để hỗ trợ bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính tốt nhất, nên chuẩn bị các yếu tố sau:

  • Nhà vệ sinh: Thiết kế phù hợp, các vòi hoa sen, mắc áo nên để ở tầm thấp để dễ dàng sử dụng. Khi người bệnh đang mệt hoặc triệu chứng nặng thì hạn chế đi tắm hoặc vệ sinh thì cần có người nhà hỗ trợ hoặc giám sát.
  • Các sinh hoạt trong nhà: Nên để các dụng cụ, đồ đạc thiết yếu ở nơi dễ thấy và vừa tầm với của người bệnh.

Chăm sóc tinh thần cho người bệnh COPD

Ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất, thì người bệnh COPD cũng cần có sự chăm sóc về mặt tinh thần, để tạo ra môi trường tốt nhất cho việc hồi phục sức khỏe và phòng tránh các đợt cấp, biến chứng có thể xảy ra.

Sức khỏe tinh thần

  • Khi ra ngoài: Khi cần thiết ra ngoài, người bệnh nên di chuyển với trạng thái khoai thai, nhẹ nhàng và không vội vàng. Nên tránh các nơi đông đúc, tập trung nhiều người hoặc xe cộ. Nếu ra ngoài vào mùa lạnh, nên giữ ấm tốt cho cơ thể.
  • Khi du lịch: Đi du lịch có thể giúp người bệnh COPD có được tâm lý thoải mái vui vẻ. Khi chọn địa điểm du lịch nên chọn những nơi không quá lạnh hoặc không quá nóng, tránh leo núi, tránh những nơi ẩm thấp và trang bị kiến thức tốt nhất cho chuyến đi.
  • Hoạt động giải trí: Những thú vui nhẹ nhàng nhưng đem lại nhiều niềm vui, kiến thức như đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc cây,… đều có thể hỗ trợ tâm trạng của người bệnh.

Quan hệ xã hội

  • Đối với công việc: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gặp phải ở bất kỳ ai, tuy nhiên thường tập trung chủ yếu ở những người trên 40 tuổi, và đang trong độ tuổi lao động. Do đó, khi phát hiện bệnh, người mắc COPD nên hạn chế các công việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, tránh xa các công việc tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm không khí.
  • Đối với gia đình người thân: Người thân luôn cần ở bên và ủng hộ, cùng chia sẻ khó khăn với người bệnh để vượt qua bệnh tật.

Your Shopping cart

Close