Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Hay còn gọi là COPD) có thể gây ra các biến chứng nặng và bất ngờ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Tràn khí màng phổi
Tình trạng tắc nghẽn đường thở trong thời gian dài dẫn tới hiện tượng lượng khí hít vào trong phế nang không được thở ra hết. Khi lượng khí này tích tụ càng lâu sẽ làm phế nang bị căng tràn, mỏng dần và dễ vỡ gây tràn khí màng phổi. Tình trạng này có thể đe dọa đến sức khỏe nếu không được điều trị sớm.
Nhiễm trùng phổi
Theo nghiên cứu, người trưởng thành mắc COPD cho nguy cơ mắc phải viêm phổi ở khoảng 36%. Đối với người lớn tuổi mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn gấp 6 lần.
Nhiễm trùng phổi do COPD có thể gây ra một chuỗi các vấn đề làm suy yếu chức năng phổi như: nhiễm trùng máu, tràn dịch màng phổi, áp xe ở phổi,… Điều này làm sụt giảm sức khỏe người bệnh nhanh chóng và có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Tăng huyết áp động mạch phổi
Phế nang giãn nhiều là tác nhân gây chèn ép các mao mạch phổi dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi. Tình trạng thiếu oxy liên tục cũng gây co thắt các tiểu động mạch và làm tăng áp lực động mạch phổi. Biến chứng này khiến cho người bệnh khó thở hơn và làm tiên lượng bệnh nhân COPD xấu hơn.
Bệnh tim
Trong giai đoạn bệnh COPD gây ảnh hưởng xấu cho người bệnh, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên. Vách các phế nang cũng bị phá hủy làm sự trao đổi khí bị cản trở, khiến nồng độ khí oxy trong máu bị giảm, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan đặc biệt là ở tim. Lâu ngày khi tim phải làm việc nhiều hơn do tăng cường áp lực trong tuần hoàn phổi, có thể dẫn đến tình trạng giãn, thậm chí là suy tim.
Ngoài khả năng suy tim, thì loạn nhịp tim, đặc biệt rung tâm nhĩ là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân đợt cấp COPD. Theo nghiên cứu, có khoảng 18% người mắc COPD gặp biến chứng rung tâm nhĩ. Rung tâm nhĩ làm bệnh nhân khó thở hơn, nguy cơ tắc mạch não và gây các rối loạn nhịp tim khác như nhịp nhanh nhĩ đa ổ, ngoại tâm thu,…
Đa hồng cầu thứ phát
Biến chứng đa hồng cầu thứ phát xảy ra do tình trạng thiếu oxy liên tục. Thông thường, người sống ở các vùng núi cao do không khí loãng thiếu oxy có lượng gia tăng hồng cầu cao hơn so với người sống ở các vị trí khác. Đa hồng cầu thứ phát gia tăng hồng cầu giống cơ chế đó sẽ làm tăng nguy cơ tắc mạch và huyết khối ở bệnh nhân mắc COPD.
Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh gặp phải ở người bệnh COPD là do thiếu oxy vào trong máu và nồng độ CO2 tăng cao. Những triệu chứng hay gặp phải là đau đầu, chóng mặt, mất ngủ và rối loạn ý thức, nặng hơn có thể gây ra mất khả năng làm việc trí óc hoặc hôn mê.
Trầm cảm và lo âu
Bệnh COPD có thể gây cho người mắc sự lo âu và thiếu an toàn.
Theo các nghiên cứu y học, có khoảng 40% người mắc COPD bị trầm cảm, tức là có cảm giác buồn bã, trống rỗng kéo dài một vài tuần. Những sự mệt mỏi về thể chất và ảnh hưởng của COPD lên giấc ngủ, sinh hoạt cũng khiến sức khỏe tinh thần của người bệnh bị ảnh hưởng rõ rệt.
Giảm tuổi thọ
Chỉ hơn 70% bệnh nhân mắc COPD nặng và 30% rất nặng sống sót sau 5 năm khi phát hiện ra bệnh. Với những triệu chứng ban đầu nhẹ và khó phát hiện, người bệnh cũng thường chỉ được chuẩn đoán khi bệnh đã ở vào giai đoạn nặng và có các nguy cơ biến chứng. Khoảng 30% bệnh nhân COPD tử vong vì suy hô hấp cấp và mạn tính, tiếp đó là suy tim (13%) và các nguyên nhân tiếp theo như nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi,…
Đọc thêm: Cách chăm sóc người mắc bệnh COPD