Hướng dẫn sử dụng bình oxy y tế tại nhà

0

Bình oxy y tế là một trong những thiết bị được sử dụng cho các bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên, bình oxy y tế lại không hề khó sử dụng nếu nắm bắt rõ ràng các nguyên tắc, cách thức vận hành tại nhà.

Chuẩn bị trước khi đặt bình oxy y tế

Trong lúc chờ vận chuyển bình oxy đến nhà, người sử dụng nên chuẩn bị sẵn các điều kiện vị trí như sau:

  • Không gian đặt bình thoáng mát, không đặt sát và có thể gây va chạm với các vật dụng, nội thất khác.
  • Đặt cách xa nguồn điện, nguồn nhiệt tối thiểu 5 mét.
  • Nên đặt bình oxy tại đầu giường của người bệnh để tiện lợi trong việc sử dụng.
  • Nên có dây cố định bình oxy.

Kiểm tra bình oxy khi nhận được từ phía nhà cung cấp

Cần kiểm tra kỹ bình oxy y tế khi nhận từ nhà cung cấp

Dù không thể kiểm tra khí nén trong bình nhưng bằng vào mắt thường, người nhận vẫn có thể kiểm tra các thành phần sau:

  • Bình oxy (thường có màu xanh), kiểm tra xung quanh bình xem có các vết nứt vỡ, hoặc bị móp méo. Kiểm tra các thông số về ngày sản xuất và ngày kiểm định trên thân bình.
  • Bộ khí thở đi kèm: Van điều chỉnh lưu lượng, đồng hồ đo áp suất, đo lưu lượng và bộ tạo ẩm.
  • Dây oxy thở có hoặc không kèm theo mặt nạ thở.
  • Bảng hoặc tài liệu hướng dẫn sử dụng bình oxy tại nhà.

Các bước lắp đặt bình oxy y tế tại nhà

  • Bước 1: Nối đồng hồ vào bình oxy bằng cách xoay ren, sau đó siết chặt lại bằng mỏ lết.
  • Bước 2: Đổ nước vào bình tạo ẩm. Nước đổ vào bình tạo ẩm phải là nước tinh khiết (hoặc nước uống) và chỉ đổ khoảng 1/2 bình, mực nước không thấp hơn vạch trên bình (Nếu bình có 2 vạch thì không thấp hơn vạch dưới).
  • Bước 3: Lắp bình tạo ẩm và dây oxy vào bình oxy.
  • Bước 4: Mở van khí bình oxy. Xoay van ngược chiều kim đồng hồ để mở.

Cần lắp đặt và sử dụng bình oxy y tế theo hướng dẫn của cơ sở cung cấp

  • Bước 5: Kiểm tra đồng hồ đo. Nếu bình còn oxy thì sẽ chỉ vào khu vực màu xanh, còn ít thì chỉ vào khu vực màu vàng còn nếu hết thì ở khu vực màu đỏ.
  • Bước 6: Điều chỉnh lưu lượng oxy qua núm vặn oxy. Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà điều chỉnh (Thông thường sẽ điều chỉnh từ 1 lít/phút đến khoảng 3 lít/phút)
  • Bước 7: Đeo dây thở cho người bệnh. Có 2 loại dây thở canula (Liều lượng oxy tối đa 6 lít/phút) và mặt nạ thở (Liều lượng oxy tối đa 10 lít/phút).

Khí sử dụng bình oxy cho người bệnh, cũng nên lưu ý các nguyên tắc sau:

  • Tránh làm khô đường thở bằng cách dùng bình tạo ẩm và uống thêm nước.
  • Khi thở ô-xy lâu phải duy trì ở liều thấp nhất mà bệnh nhân không khó thở.
  • Không thở ở liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh. Điều chỉnh sau mỗi 15 phút.

Đọc thêm: Thời gian sử dụng bình oxy y tế tại nhà

Cách tắt bình oxy khi không dùng

Để tắt bình oxy và tránh việc thất thoát oxy khi chưa dùng đến, người sử dụng cần tuân theo đúng các bước sau:

  • Xoay van theo chiều kim đồng hồ để khóa chặt bình oxy
  • Đợi đồng hồ về mức 0 và xoay núm về mức 0
  • Tháo ren.

Nguyên tắc an toàn khi sử dụng bình oxy tại nhà

Bình oxy có thể gây nổ mạnh hoặc làm bùng đám cháy bởi nguyên tố oxy có khả năng khiến ngọn lửa mạnh hơn khi tiếp xúc. Chính vì vậy người dùng bình oxy tại nhà cần chú ý các nguyên tắc an toàn sau:

  • Không hút thuốc gần bình oxy
  • Không đặt bình oxy gần các nguồn nhiệt và nguồn điện.
  • Tránh để bình bị rơi, đổ, cần cố định bình tại một vị trí thoáng mát và hạn chế di chuyển.
  • Nên tắt và khóa van bình oxy khi không sử dụng, vừa tránh thất thoát khí vừa giảm nguy cơ cháy nổ.
  • Nếu van hở hoặc nghi ngờ van hở (Do có tiếng xì), cần khóa van bình lại và gọi cho nhà cung cấp để hỗ trợ.
  • Không tự sang chiết khí hay tự nạp khí vào bình.
  • Nên lựa chọn nhà cung cấp bình oxy uy tín để đảm bảo chất lượng của bình cũng như chất lượng khí bên trong.

Your Shopping cart

Close