Nếu được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rất có thể bạn sẽ cần cải thiện thói quen ăn uống của mình. Mặc dù chế độ ăn uống lành mạnh không thể chữa khỏi COPD, nhưng có thể giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng, và tránh các đợt cấp COPD có thể xảy ra. Ngoài ra, ăn uống lành mạnh còn có thể giúp duy trì lối sinh hoạt khoa học, phòng tránh các căn bệnh khác.
Chế độ ăn nhiều chất béo hơn, ít carbohydrate hơn
Một chế độ ăn ít carbohydrate dẫn đến việc sản xuất ít carbon dioxide hơn, điều này có thể giúp những người bị COPD kiểm soát sức khỏe tốt hơn. Ngay cả khi giảm lượng carbohydrate, một chế độ ăn uống lành mạnh vẫn nên bao gồm nhiều loại thực phẩm. Hãy cố gắng bổ sung những thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hàng ngày như:
- Thực phẩm giàu protein: Các thực phẩm giàu protein, chất lượng cao như thịt ăn cỏ, thịt gia cầm, trứng và cá, đặc biệt là các loại cá giàu chất béo như cá hồi, cá thu và cá mòi.
- Sản phẩm tươi như trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ cần thiết. Những chất dinh dưỡng này sẽ giúp giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
- Thực phẩm giàu kali: Kali rất quan trọng đối với chức năng phổi, vì vậy thiếu hụt kali có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Hãy cố gắng ăn thực phẩm có hàm lượng kali cao, chẳng hạn như: Bơ, Rau xanh đậm, Cà chua, Măng tây, Củ cải, Khoai tây, Chuối, Cam
- Chất béo lành mạnh: bơ, quả hạch, hạt, dừa, ô liu và dầu ô liu, cá béo và phô mai. Những thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều dinh dưỡng tổng thể hơn.
Đọc thêm: Những thực phẩm tăng năng lượng cho người mắc COPD.
Thực phẩm cần tránh
Một số loại thực phẩm có thể gây ra các vấn đề như đầy hơi hoặc không có giá trị dinh dưỡng cao. Những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế bao gồm:
- Muối: Quá nhiều natri hoặc muối trong chế độ ăn có thể gây giữ nước, ảnh hưởng đến khả năng thở. Hãy bỏ thói quen thêm muối vào thức ăn và thay thế bằng các loại thảo mộc, gia vị không ướp muối. Hãy đảm bảo đồ ăn không chứa quá 300 miligam (mg) natri mỗi khẩu phần, và toàn bộ bữa ăn không quá 600 mg.
- Một số loại trái cây: Táo, các loại trái cây như mơ và đào, dưa hấu có thể gây đầy hơi và khí ở một số người. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp ở những người bị COPD.
- Một số loại rau và cây họ đậu: Một số loại rau và đậu sau đây có thể gây đầy hơi, tuy nhiên bạn có thể theo dõi để vẫn tiếp tục sử dụng nếu không ảnh hưởng quá nhiều tới tiêu hóa. Chúng bao gồm Bắp cải, Súp lơ trắng, Ngô, Tỏi tây, Hành, Đậu Hà Lan.
- Sản phẩm từ sữa: Một số người nhận thấy rằng các sản phẩm từ sữa như sữa và pho mát làm cho đờm đặc hơn. Nếu các sản phẩm từ sữa không làm tình trạng đờm tồi tệ hơn, bạn có thể tiếp tục ăn chúng.
- Sô cô la: Sô cô la chứa caffeine, có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.
- Đồ chiên: Thực phẩm chiên, rán, hoặc nhiều dầu mỡ có thể gây đầy hơi và khó tiêu. Thức ăn này cũng thường có nhiều gia vị gây khó chịu và ảnh hưởng đến hô hấp. Tránh những thực phẩm này khi có thể.
Đọc thêm: 7 thực phẩm có thể gây ra đợt cấp COPD.
Hãy chú ý đến đồ uống
Người mắc bệnh COPD nên uống nhiều nước trong ngày. Tiêu thụ khoảng 6-8 ly nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy và giúp ho dễ dàng hơn. Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn caffeine bao gồm cà phê, trà, soda và nước tăng lực.
Quản lý cân nặng – theo cả hai hướng
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp vấn đề về cân nặng: những người bị viêm phế quản mãn tính có xu hướng thừa cân, trong khi những người bị khí phế thũng có xu hướng thiếu cân. Do đó, chế độ ăn uống và đánh giá dinh dưỡng trở thành yếu tố quan trọng trong điều trị COPD.
- Nếu thừa cân: Khi thừa cân, tim và phổi phải làm việc nhiều hơn, gây khó khăn trong việc thở và tăng nhu cầu oxy. Cần lên kế hoạch ăn uống tùy chỉnh và chương trình tập thể dục phù hợp để giảm cân.
- Nếu thiếu cân: Một số triệu chứng của COPD như chán ăn, trầm cảm hoặc cảm thấy không khỏe có thể khiến cơ thể thiếu cân. Thiếu cân có thể làm cảm thấy yếu, mệt mỏi và dễ bị nhiễm trùng hơn. COPD yêu cầu phải sử dụng nhiều năng lượng hơn khi thở, một người mắc COPD có thể đốt cháy lượng calo gấp 10 lần so với người không mắc bệnh. Nếu bị thiếu cân, cần bổ sung các món ăn nhẹ lành mạnh và giàu calo vào chế độ ăn uống.
Chuẩn bị bữa ăn
Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể là một thách thức lâu dài, do đó, việc làm cho quá trình chuẩn bị thức ăn trở nên đơn giản và hiệu quả là rất quan trọng. Để có những bữa ăn dễ dàng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hãy tuân theo các nguyên tắc sau:
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Thay vì ba bữa lớn mỗi ngày, hãy cố gắng ăn năm đến sáu bữa ăn nhỏ. Ăn nhiều bữa nhỏ giúp tránh cảm giác đầy bụng quá mức và tạo đủ không gian cho phổi giãn nở, giúp thở dễ dàng hơn.
- Ăn bữa chính vào đầu ngày: Cố gắng ăn bữa chính sớm trong ngày để cung cấp năng lượng cho cả ngày.
- Chọn thức ăn dinh dưỡng và dễ chế biến: Lựa chọn những thực phẩm có thể chế biến nhanh chóng và dễ dàng để chuẩn bị sẽ giúp tiết kiệm năng lượng. Ngồi khi chuẩn bị bữa ăn để không cảm thấy quá mệt khi ăn và nhờ gia đình hoặc bạn bè hỗ trợ nếu cần.
- Nơi dùng bữa thoải mái: Khi ăn, hãy ngồi trên ghế có lưng tựa cao để tránh gây áp lực quá lớn lên phổi.
Tìm hiểu thêm: Suy dinh dưỡng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.