7 loại thực phẩm có thể gây ra đợt cấp COPD

0

Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến cảm giác và sức khỏe của người bệnh. Các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt tình trạng khó thở, tăng cường năng lượng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên cũng có các loại thực phẩm có tác dụng ngược lại khiến người bệnh khó thở hơn hoặc dễ dẫn đến các đợt cấp COPD.

Để giảm bớt nguy cơ khó thở và bùng phát các đợt cấp của bệnh COPD, bạn nên hạn chế hoặc loại bỏ một số thực phẩm và đồ uống dưới đây.

Đồ uống có ga

Tránh nước ngọt và các loại đồ uống có ga khác khi bị COPD. Chúng chứa khí carbon dioxide, dẫn đến đầy hơi và chướng bụng, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Các bác sĩ cho biết, các khoang ngực và dạ dày có một khoảng không gian cố định. Theo thời gian, phổi của bệnh nhân COPD có xu hướng giữ lại không khí và khí, trở nên to ra và chiếm nhiều không gian đó hơn. Khi bệnh nhân ngày càng bị căng phồng quá mức, họ ngày càng nhạy cảm với tình trạng đầy hơi vì nó ảnh hưởng đến không gian thở của họ. Nếu dạ dày giãn ra với quá nhiều khí, nó sẽ đẩy lên cơ hoành – cơ hô hấp chính – và cản trở chức năng của nó, gây khó thở.

Vì vậy, thay vì uống đồ uống có ga, các bác sĩ khuyên bổ sung nước bằng nước lọc, trà thảo mộc và nước trái cây không ga.

Thức ăn mặn

Theo nghiên cứu, việc nạp quá nhiều muối khi ăn uống có thể gây ra các biến chứng COPD bởi chúng khiến cơ thể giữ nước, điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp phổi. Để kiểm soát lượng muối ăn vào, Tổ chức COPD khuyến nghị nên chọn thực phẩm được dán nhãn “natri thấp” hoặc có ít hơn 140 miligam (mg) natri mỗi khẩu phần.

Bạn cũng có thể cắt giảm lượng natri nạp vào bằng cách tự chuẩn bị bữa ăn tại nhà từ nguyên liệu tươi và hạn chế thực phẩm đông lạnh như pizza, khoai tây chiên, bánh quy giòn và các loại hạt muối. Dấu hiệu của việc tiếp thu quá nhiều muối trong chế độ ăn uống đó là sưng chân và tăng cân.

Đọc thêm: Triệu chứng và nguyên nhân của đợt cấp COPD.

Thịt chế biến sẵn

Theo nghiên cứu, ăn các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói, có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ phát triển bệnh COPD. Và một nghiên cứu khác cho thấy những người mắc bệnh COPD ăn nhiều thịt đã qua xử lý có nhiều khả năng phải nhập viện lại vì bệnh COPD.

Hàm lượng muối cao trong các loại thịt đã qua xử lý có thể dẫn đến hiện tượng giữ nước, khiến những người mắc bệnh COPD có nguy cơ bị tăng huyết áp phổi. Thịt chế biến sẵn cũng có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thường tồn tại cùng với bệnh COPD.

Rượu bia

Rượu bia ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, nhất là với những người mắc COPD, việc uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho phổi. Theo một nghiên cứu, uống nhiều rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm viêm phổi, nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).

Quá nhiều rượu cũng có thể làm nhịp thở chậm và khiến khó ho ra chất nhầy hơn. Hơn nữa, rượu có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng, đặc biệt nếu là các thuốc kháng sinh điều trị.

Một lý do khác để hạn chế bia, rượu và cocktail khi mắc COPD là những đồ uống này có xu hướng khiến cơ thể cảm thấy no mà không cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng.

Cà phê, sô cô la và các tác nhân gây ợ nóng khác

Nếu dễ bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bạn nên tránh các loại thực phẩm có thể làm nặng thêm các triệu chứng. Các bác sĩ cho biết, nhiều người mắc bệnh COPD cũng đồng mắc bệnh GERD và có thể làm phức tạp thêm các triệu chứng COPD.

Nguyên nhân là khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, đôi khi nó có thể đi vòng vào phổi, hiện tượng này khá phổ biến. Điều này có thể làm tổn thương mô phổi, gây ho và thở khò khè, đồng thời dẫn đến nhiễm trùng phổi, bao gồm cả viêm phổi.

Vì vậy, với bệnh nhân bị rối loạn hô hấp, việc kiểm soát chứng trào ngược axit là điều rất quan trọng. Nếu mắc GERD, hãy lưu ý và tránh mọi tác nhân tiềm ẩn bao gồm cà phê, trà chứa caffein, rượu, sô cô la, nước ngọt, bạc hà, thực phẩm chiên hoặc cay, nước sốt cà chua và nước ép cam quýt.

Đọc thêm: 4 cách kiểm soát đợt cấp COPD.

Đồ chiên

Thực phẩm chiên, chẳng hạn như khoai tây chiên, gà rán và bánh rán,… là một trong những thực phẩm tồi tệ nhất với căn bệnh COPD. Những thực phẩm này có nhiều chất béo nên chúng mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và do đó có thể gây đầy hơi, khó tiêu, tất cả đều khiến khó thở.

Thực phẩm chiên cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ăn đồ chiên thường xuyên cũng có thể dẫn đến tăng cân. Khi thừa cân, tim và phổi phải làm việc nhiều hơn, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn.

Bông cải xanh và các loại rau họ cải khác

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mặc dù chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, nhưng các loại rau họ cải có thể khiến bạn bị đầy hơi, dẫn đến khó thở hơn. Thủ phạm phổ biến nhất bao gồm bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cải chíp và cải xoăn.

Bạn cũng có thể giảm bớt tình trạng đầy hơi do những thực phẩm này và các thực phẩm khác bằng cách ăn chậm lại trong bữa ăn. Hoặc ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày để giảm khó thở khi ăn.

Nguồn tham khảo: Everyday Health

Your Shopping cart

Close