10 cách ngủ ngon hơn khi mắc bệnh COPD

0

Giấc ngủ rất quan trọng đối với mọi người, nhất là với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Có một giấc ngủ ngon vào ban đêm là điều cần thiết giúp người bệnh có thể thở tốt và hoạt động vào ngày hôm sau.

Theo các nghiên cứu ở Mỹ, giấc ngủ kém sẽ khiến các triệu chứng COPD trầm trọng hơn, cũng như tăng nguy cơ phát triển các biến chứng do bệnh. Tổ chức Giấc ngủ Mỹ cho biết, hơn 75% số người mắc bệnh COPD cho biết có các triệu chứng vào ban đêm và khó ngủ.

Nếu ho và thở khò khè do COPD khiến mất ngủ vào ban đêm, hãy thử những cách này để ngủ nhanh hơn và thức dậy với cảm giác sảng khoái hơn.

Điều chỉnh tư thế ngủ

Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) cho biết, ngủ ở tư thế hơi thẳng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cho phổi. Hãy kê cao đầu lên một chút để giúp ngăn ngừa chứng trào ngược dạ dày (khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản) khiến thức giấc vào ban đêm. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở những người mắc bệnh COPD.

Ngoài ra, một số thay đổi hành vi đơn giản, bao gồm duy trì cân nặng khỏe mạnh, bỏ hút thuốc và nâng đầu giường lên để giảm áp lực lên thực quản và cho phép trọng lực giữ axit xuống, có thể cải thiện thời gian ban đêm.

Tránh ngủ trưa trong ngày

Nếu thực sự cần một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa, hãy ngủ không quá 30 phút và tránh ngủ trưa vào buổi chiều muộn. Tổ chức Giấc ngủ Mỹ lưu ý: Một giấc ngủ ngắn có thể phục hồi năng lượng, nhưng một giấc ngủ quá dài hoặc muộn có thể khiến tỉnh táo vào ban đêm và làm trầm trọng thêm chu kỳ ngủ kém.

Tránh xa khỏi thiết bị điện tử trước khi ngủ

Hãy tạo khoảng thời gian đệm không có thiết bị trong 30 đến 60 phút trước khi đi ngủ. Tổ chức Giấc ngủ lưu ý rằng các thiết bị điện tử có thể gây ra sự kích thích tinh thần.

Ngoài ra, ánh sáng xanh từ màn hình còn ức chế việc sản xuất hormone melatonin (hormone gây buồn ngủ). Nếu phải nhìn vào màn hình trong vòng một giờ trước khi đi ngủ, hãy đặt thiết bị ở “chế độ ban đêm” để giảm thiểu tác động của ánh sáng.

Hoạt động thể chất nhiều hơn trong ngày

Theo các chuyên gia, tập thể dục là cách vận động giúp cải thiện bệnh COPD nói chung. Trên thực tế, thói quen tập thể dục vừa phải có thể cải thiện việc sử dụng oxy của cơ thể, giảm khó thở, tăng năng lượng và sức mạnh cơ bắp, giảm lo lắng và trầm cảm, đồng thời hỗ trợ giấc ngủ.

Không những thế, hoạt động thể chất còn cải thiện sức bền để có thể làm được nhiều việc hơn trong ngày và nếu vận động nhiều hơn vào buổi sáng sẽ giúp ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Hãy thử tập Yoga

Theo chuyên gia về rối loạn nha khoa và giấc ngủ, cho biết: Yoga là một hình thức tập thể dục tuyệt vời cho những người mắc bệnh COPD vì nó làm giảm căng thẳng và cũng giúp kiểm soát hơi thở.

Một nghiên cứu từ năm 2021, cho thấy yoga có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng khó thở và mệt mỏi, đồng thời, cải thiện giấc ngủ ở những người mắc bệnh hô hấp mãn tính như COPD.

Thiết lập thói quen ngủ nhất quán

Tổ chức Giấc ngủ cho biết, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày – ngay cả vào cuối tuần – có thể khiến não và cơ thể quen với việc ngủ đủ giấc. Ngoài ra, hãy cố gắng thực hiện theo cùng một hoạt động trước khi đi ngủ – chẳng hạn như tắm rửa, mặc đồ ngủ và làm điều gì đó thư giãn, như đọc sách, giãn cơ hoặc thiền trong 30 phút.

Điều này giúp củng cố trong tâm trí rằng đã đến giờ đi ngủ, giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn. Và hãy sử dụng phòng ngủ để ngủ chứ không phải cho các hoạt động khác.

Thảm khảo bác sĩ về sử dụng liệu pháp oxy

Những người mắc bệnh phổi sẽ mất oxy trong máu qua đêm, đặc biệt là trong giấc ngủ REM (khi giấc mơ diễn ra). ALA cho biết, sử dụng liệu pháp oxy vào ban đêm cho phép cơ thể nhận được nhiều oxy hơn vào máu và có thể giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.

Điều quan trọng là bạn phải được bác sĩ cho thở oxy vào ban đêm. Mặc dù một số người mắc bệnh COPD cần oxy nhưng với một tỷ lệ nhỏ điều này có thể nguy hiểm, vì vậy hãy đảm bảo bạn đã thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về việc sử dụng liệu pháp oxy.

Tạo không gian phòng ngủ dễ chịu

Giữ phòng ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ có thể giúp dễ ngủ. Các bác sĩ khuyên rằng, hãy cân nhắc mua các tấm che ánh sáng hoặc sử dụng bịt mắt để ngăn mọi ánh sáng (kể cả đèn đường và ánh sáng sớm) chiếu vào phòng.

Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng giường đủ rộng và thoải mái để bạn có thể nghỉ ngơi. Bạn cũng có thể muốn sử dụng nút bịt tai hoặc máy tạo tiếng ồn trắng để át đi mọi âm thanh và giữ nhiệt độ ở mức mát hơn.

Kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của chứng ngưng thở khi ngủ – chẳng hạn như ngủ ngáy, thở hổn hển, hãy hỏi bác sĩ về việc lên lịch kiểm tra chứng rối loạn giấc ngủ này.

Tổ chức COPD cho biết chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 10 đến 15% số người mắc bệnh COPD, khiến nồng độ oxy trong máu giảm và làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ . Nó cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác nếu không được điều trị. Tình trạng này có thể được điều trị hiệu quả bằng cách đeo thiết bị áp lực đường thở liên tục qua mũi (CPAP) trong khi bạn ngủ, thiết bị này nhẹ nhàng đẩy không khí qua mũi để giữ cho đường thở luôn thông thoáng.

Ngoài thiết bị CPAP, có một số tùy chọn khác có thể giúp giải quyết các biến chứng về hô hấp liên quan đến giấc ngủ có thể ít xâm lấn hơn máy CPAP, vì vậy hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ nếu ngần ngại thử CPAP.

Kiểm tra lại các loại thuốc đang sử dụng

Hãy kiểm tra với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng và hỏi xem liệu có loại thuốc nào gây nên mất ngủ hay không. Bạn có thể điều chỉnh thời gian dùng thuốc để tránh việc chúng khiến bạn mất ngủ vào ban đêm.

Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết nếu có cơn đau do COPD khiến bạn tỉnh táo. Các bác sĩ lưu ý rằng cơn đau rất khó ngủ, vì vậy điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ về cách kiểm soát cơn đau vào ban đêm. Lưu ý rằng thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể gây hại cho một số bệnh nhân mắc COPD và chỉ nên sử dụng nếu được bác sĩ khuyên dùng.

Nguồn tham khảo: Everyday Health

Lưu ý: Thông tin về sức khoẻ trên chỉ được cung cấp cho mục đích tham khảo. Bạn cần gặp các y, bác sĩ có chuyên môn để điều trị theo chỉ định.

Your Shopping cart

Close