Nếu bạn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy tức ngực. Đây là triệu chứng phổ biến của COPD, nhưng tức ngực cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý khác bao gồm hen suyễn, suy tim hoặc đau tim.
Sự thay đổi cấu trúc của phổi khi mắc COPD gây ra cảm giác tức ngực. Nếu bạn gặp phải điều này, đội ngũ y tế của bạn có thể sẽ yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán cho bạn để xác định được nguyên nhân chính xác. Điều này sẽ giúp bạn lập kế hoạch điều trị phù hợp để giảm bớt tình trạng tức ngực.
Triệu chứng
Tức ngực có thể xuất hiện với một số triệu chứng liên quan và nó trở nên tồi tệ hơn khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thông thường, COPD thường có biểu hiện khó thở, đặc biệt khi gắng sức thì hiện tượng tức ngực rất dễ xảy ra.
Khi bạn bị tức ngực do COPD, bạn có thể cảm thấy:
- Cảm thấy rất khó thở
- Bạn không thể hít một hơi thật sâu
- Cảm giác có vật gì quấn quanh ngực
Nguyên nhân
Tức ngực trong COPD thường liên quan đến nhiễm trùng phổi, chẳng hạn như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Khi mắc bệnh COPD, bị nhiễm trùng phổi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới sức khoẻ.
Các ảnh hưởng của COPD đến phổi bao gồm:
- Sản xuất chất nhầy dư thừa là phổ biến ở COPD. Chất nhầy (hay được gọi là đờm) có thể tích tụ trong phế quản (đường thở) và phế nang (túi khí), ngăn không khí ra vào khi bạn thở. Nói chung, chất nhầy tích tụ thường gặp ở bệnh COPD, nhưng nó sẽ trầm trọng hơn khi bạn bị nhiễm trùng.
- Thu hẹp đường thở có thể xảy ra do co thắt phế quản. Điều này thường nghiêm trọng hơn khi bạn bị nhiễm trùng phổi.
- Viêm mãn tính gây ra sự dày lên và thu hẹp dai dẳng của đường hô hấp, dẫn đến cảm giác co thắt ngực.
- Tăng huyết áp phổi là một quá trình mãn tính trong đó các mạch máu trong phổi trở nên hẹp và bị tắc nghẽn. Nó có liên quan đến sự kết hợp giữa suy tim và COPD, đồng thời làm tăng thêm cảm giác tức ngực mãn tính.
Thông thường, khi bị COPD sẽ gặp phải tất cả các triệu chứng này, nhưng người bệnh có thể gặp một số tác động nhiều hơn những tác động khác và chúng dao động theo thời gian.
Chẩn đoán tức ngực khi bị COPD
Chìa khóa để chẩn đoán tức ngực ở bệnh COPD nằm ở việc xác định nguyên nhân là do sự tiến triển của bệnh, do đợt cấp của COPD hay do một vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh tim hoặc suy tim.
Người bệnh sẽ cần một số xét nghiệm chẩn đoán để giúp đội ngũ y tế xác định nguyên nhân gây tức ngực. Các xét nghiệm chẩn đoán dùng để đánh giá độ tức ngực bao gồm:
- Điện tâm đồ (EKG): Nếu có lo ngại rằng bạn có thể bị đau tim, xét nghiệm này sẽ được thực hiện khẩn cấp. Điện tâm đồ là một xét nghiệm nhanh, xác định cơn đau tim đang diễn ra hoặc đã qua. Quy trình của phương pháp này là việc đặt các dây dẫn kim loại trên ngực để phát hiện hoạt động của tim.
- Máy đo nồng độ oxy trong mạch: Một xét nghiệm không xâm lấn có thể ước tính nồng độ oxy trong máu sẽ được sử dụng để xác định xem bạn có cần sử dụng oxy bổ sung hay không, khẩn cấp hay lâu dài.
- Khí máu động mạch (ABG): Mẫu máu từ động mạch (thường ở cổ tay) có thể được sử dụng để đo chính xác mức oxy trong máu của bạn. Nếu có lo ngại rằng mức oxy của bạn thấp hoặc ở mức giới thì xét nghiệm này giúp đánh giá tốt hơn mức khí trong máu.
- Chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực (CT): Khó thở có thể liên quan đến nhiễm trùng hoặc tổn thương phổi nghiêm trọng trong COPD. Nghiên cứu hình ảnh chụp X-quang để xác định những thay đổi về cấu trúc cần điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
- Kiểm tra chức năng phổi (PFTs): Những xét nghiệm này đánh giá phổi của bệnh nhân đang ở trong tình trạng như thế nào khi hít vào và thở ra vào thiết bị đo thể tích không khí.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim là một xét nghiệm hình ảnh giúp quan sát chuyển động của tim khi nó đang đập, giúp xác định nhiều bệnh về tim, bao gồm suy tim và bệnh van tim.
Điều trị tức ngực do COPD
Khi tức ngực do COPD gây ra, việc điều trị có thể giúp giảm bớt cảm giác này. Các liệu pháp có thể bao gồm thuốc giảm viêm, mở rộng đường thở hoặc giảm chất nhầy trong phổi.
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp phổi bao gồm liệu pháp oxy, thuốc lợi tiểu (giảm tích tụ chất lỏng) và thuốc cải thiện chức năng tim. Thuốc chống viêm, chẳng hạn như phương pháp điều trị bằng steroid, cũng có thể được sử dụng để giúp giảm tình trạng viêm thường liên quan đến COPD.
Tình trạng thu hẹp đường thở thường có thể thuyên giảm bằng thuốc giãn phế quản, là loại thuốc giúp mở đường thở. Chúng thường được sử dụng như liệu pháp khí dung dạng hít. Thuốc hít sẽ không chữa khỏi tình trạng tức ngực liên quan đến COPD, nhưng chúng có thể giúp giảm đau tạm thời.
Nhìn chung, phẫu thuật không phải là phương pháp phổ biến trong điều trị COPD. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật điều trị xẹp phổi hoặc vấn đề về cấu trúc khác để giảm tình trạng tức ngực mãn tính.
Tức ngực là tình trạng rất phổ biến ở bệnh nhân COPD. Nó cũng có thể xảy ra với một số tình trạng bệnh khác, một số trong đó là trường hợp khẩn cấp. Nếu bạn cảm thấy tức ngực ngày càng trầm trọng hoặc tức ngực đột ngột, bạn cần được chăm sóc y tế.
Nguồn tham khảo: Verywellhealth