Giảm tình trạng mệt mỏi ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

0

Mệt mỏi ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không phải là loại mệt mỏi được cải thiện sau một giấc ngủ hoặc sau khi uống một tách cà phê. Nó kéo dài dai dẳng và xảy ra ngay cả khi bạn không vận động quá nhiều.

Mệt mỏi liên quan đến COPD có thể ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Các tác động có thể rất khó nhận thấy và có thể dần dần trở nên tồi tệ hơn khi chức năng phổi suy giảm. Vì vậy, nếu tình trạng mệt mỏi này thường xuyên xảy ra khi bạn mắc COPD nên thực hiện một số lời khuyên dưới đây.

Một số chẩn đoán

Nếu bạn luôn cảm thấy thiếu năng lượng, buồn ngủ hoặc không có động lực, hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ theo dõi và điều trị COPD. Bạn có thể cần phải khám sức khỏe hoặc xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân chính xác. Kết quả này có thể hướng dẫn điều chỉnh việc điều trị COPD. Hoặc có thể xác định một tình trạng bệnh lý khác ngoài bệnh COPD, nguyên nhân làm tăng tình trạng kiệt sức.

Thông thường các bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi những câu hỏi về hoạt động hàng ngày, nhịp thở, giấc ngủ, tâm trạng và dinh dưỡng. Họ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng khác như sốt, đau, khó chịu, các triệu chứng hô hấp và các triệu chứng tiêu hóa. Nếu có lo ngại, bạn có thể được sàng lọc trầm cảm.

Quá trình này có thể bao gồm đánh giá nhiệt độ, mạch (nhịp tim), nhịp hô hấp và huyết áp. Nhờ đó có thể đưa ra định hướng về nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi. Mức oxy sẽ được đo bằng máy đo nồng độ oxy trong mạch, một xét nghiệm không xâm lấn sử dụng đầu dò đặt trên ngón tay.

Các xét nghiệm khác có thể cần bao gồm:

  • Kiểm tra chức năng phổi: Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các bài kiểm tra hơi thở để đo dung tích phổi và khả năng hít vào và thở ra. Những xét nghiệm này rất quan trọng trong chẩn đoán COPD, điều này rất hữu ích trong việc theo dõi bệnh và có khả năng xác định mối liên hệ giữa COPD với tình trạng mệt mỏi.
  • Xét nghiệm máu: Mệt mỏi có thể xảy ra do các vấn đề như thiếu máu (chức năng hồng cầu thấp), nhiễm trùng và lượng oxy thấp. Tùy thuộc vào bệnh sử, các bác sĩ có thể kiểm tra công thức máu toàn phần (CBC) hoặc khí máu động mạch (ABG). CBC có thể có dấu hiệu thiếu máu cũng như nhiễm trùng (bạch cầu cao). ABG sẽ có dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, chẳng hạn như lượng oxy thấp hoặc carbon dioxide hoặc bicarbonate bị thay đổi.
  • Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực có thể cho thấy các dấu hiệu của bệnh phổi hoặc bệnh tim tiến triển, cũng như các dấu hiệu nhiễm trùng ở bệnh COPD.
  • Siêu âm tim: Suy tim gây mệt mỏi là một trong những biến chứng của COPD. Và ngay cả khi COPD không góp phần gây ra bệnh này, bệnh tim vẫn thường tồn tại cùng với COPD. Siêu âm tim có thể giúp chẩn đoán các bệnh về tim như suy tim và bệnh van tim.
  • Đo đa ký giấc ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán bằng cách đo nồng độ oxy, nhịp thở và các giai đoạn ngủ trong khi ngủ.

Đọc thêm: Trầm cảm và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Cách giảm mệt mỏi ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Hãy bắt đầu sử dụng các chiến lược y tế và thay đổi trong lối sống nhằm giảm bớt sự mệt mỏi. Duy trì các thói quen lành mạnh có thể giúp tránh được các biến chứng như nhiễm trùng và cũng có thể giúp bạn tối đa hóa mức năng lượng của mình.

Khi bị COPD, việc dùng thuốc theo quy định là rất quan trọng vì nó giúp giảm viêm phổi và ngăn ngừa co thắt đường thở. Ngoài ra, dưới đây là một số việc bạn nên làm để giảm tình trạng mệt mỏi khi mắc COPD:

Phục hồi chức năng phổi

Phục hồi chức năng phổi bao gồm các bài tập thở và thói quen vật lý trị liệu được thiết kế đặc biệt để giúp bạn hoạt động tốt hơn với bệnh phổi. Các bài tập này cần được giám sát bởi các bác sĩ và chuyên gia có chuyên môn, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân COPD. Đồng thời, nó cũng liên quan đến việc cải thiện chức năng phổi, giảm chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm.

Kỹ thuật thở

Khi những người mắc bệnh COPD phải đối mặt với hoạt động gắng sức, xu hướng tự nhiên là thở hổn hển. Điều này có thể khiến kiệt sức nhanh hơn do cơ hoành làm việc quá sức. Hãy trao đổi với bác sĩ trị liệu hô hấp để học cách thở một cách lành mạnh hơn.

Cách kiểm soát hơi thở có thể giúp giảm thiểu sức lực đồng thời tối đa hóa lợi ích của từng hơi thở. Các kỹ thuật thở như thở mím môi và thở cơ hoành có thể giúp giảm mệt mỏi bằng cách điều hòa không khí vào và ra khỏi phổi.

Khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào, hãy thở ra khi thực hiện thao tác nặng nhất bằng cách mím môi và từ từ hít vào bằng mũi. Hãy luyện tập thường xuyên và lặp lại bài tập này.

Lập kế hoạch cho các hoạt động của bạn

Hãy cân nhắc việc tiết kiệm năng lượng bằng cách lên kế hoạch cho các hoạt động hằng ngày để có thể làm được nhiều việc hơn mà không quá mệt mỏi.

Hãy cân nhắc việc sắp xếp lại các kệ hàng ở nhà để không phải kiệt sức khi tìm kiếm những món đồ mình cần. Hãy xem liệu việc sử dụng xe lăn có giúp bạn tiết kiệm được năng lượng để hoạt động hằng ngày không. Hoặc quyết định xem việc đặt phòng ngủ ở tầng chính của ngôi nhà có phải là cách hiệu quả hơn để dễ dàng sinh hoạt hay không.

Ăn kiêng và tập thể dục

Khi tập thể dục cho bệnh nhân COPD, các bác sĩ khuyên nên kết hợp các bài tập sức bền và bài tập linh hoạt. Đi bộ được coi là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích với những người mắc bệnh COPD.

Chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng nếu bị COPD. Thực phẩm tươi giàu vitamin và khoáng chất giúp chống nhiễm trùng, protein và carbohydrate giúp duy trì mức năng lượng. Ngoài ra, việc cơ thể mất nước đặc biệt có hại cho những người mắc bệnh COPD, gây ra tình trạng chất nhầy trong phổi dày lên và làm giảm dung tích phổi dần dần.

Nguồn tham khảo: VerywellHeath

Your Shopping cart

Close