Ăn uống đầy đủ
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) cho biết thực phẩm là nhiên liệu mà cơ thể cần để thực hiện mọi hoạt động, bao gồm cả việc thở. Một số chất dinh dưỡng cũng giúp giảm bớt chứng khó thở và cũng tăng mức năng lượng. Vì vậy lưu ý khi ăn uống của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là rất quan trọng.
Chế độ ăn uống cân bằng cũng giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh COPD. Nếu thừa cân, tim và phổi phải làm việc nhiều hơn, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nếu thiếu cân, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và cũng có thể dễ bị mắc nhiễm trùng phổi nguy hiểm.
Kế hoạch ăn kiêng tốt nhất sẽ phụ thuộc vào việc cần giảm hay tăng cân. Cần tham khảo bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng COPD và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Bạn cũng có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn thay vì sử dụng một bữa ăn chính đầy đủ khiến đè lên cơ hoành và tạo thêm cảm giác khó thở trong giờ ăn.
Tiêm vắc xin hàng năm
Việc tiêm phòng vắc xin khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều rất quan trọng. Điều này được khuyến nghị hàng năm, đặc biệt là với người mắc bệnh COPD hoặc bệnh phổi mãn tính khác.
Bạn cũng nên chủng ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn vì bệnh nhiễm trùng phổi này có nguy cơ cao đối với những người mắc bệnh COPD. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm vắc xin cho tất cả người từ 65 tuổi trở lên, nhưng nếu mắc bệnh COPD, bạn đủ điều kiện tiêm dù ở bất kể tuổi nào.
Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng có thể là một mối nguy tiềm ẩn khác đối với những người mắc bệnh COPD. ALA lưu ý rằng không thể thở tốt sẽ tạo ra lo lắng, khiến thở nhanh hơn, điều này càng khó thở hơn.
Ngoài COPD, có thể có những điều trong cuộc sống từ các mối quan hệ đến công việc khiến bạn cảm thấy lo lắng và do đó, các triệu chứng COPD lại bùng phát.
Cố gắng xác định các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống và tập các cách để giảm thiểu chúng. Bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của nhà trị liệu tâm lý, những người có thể giúp vượt qua quá trình này hoặc người thân. Ngoài ra, hãy bắt đầu kết hợp một số kỹ thuật thư giãn vào thói quen hàng ngày, chẳng hạn như các bài tập thở, hình dung, thiền và yoga. Những hoạt động này giúp bạn thở chậm lại và có thể giúp ngăn ngừa căng thẳng khởi phát một vòng luẩn quẩn làm tăng lo lắng và khó thở.
Đọc thêm: Trầm cảm và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá là những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự tiến triển và tử vong của bệnh COPD . Nếu bạn là người hút thuốc, bước quan trọng nhất có thể thực hiện để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện sức khỏe của mình là bỏ thuốc lá. Những người mắc bệnh COPD cũng nên cố gắng tránh khói thuốc thụ động.
Sử dụng ống hít đúng cách
Sử dụng thường xuyên, đúng cách các loại thuốc hít giúp kiểm soát các triệu chứng của COPD và giúp dễ thở hơn. Nhưng có nhiều loại ống hít khác nhau và mỗi loại đòi hỏi một kỹ thuật khác nhau.
Các triệu chứng COPD thực sự có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không dùng thuốc đúng cách. Để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng ống hít đúng cách và đúng liều thuốc, nên xin ý kiến của bác sĩ để sử dụng.
Nâng cao kiến thức về COPD của bạn
Tìm hiểu về COPD và cách hoạt động của phổi có thể giúp bạn hiểu và quản lý tình trạng của mình tốt hơn. Nếu có thể, hãy hiểu tường tận về bệnh COPD, về nguyên nhân mắc bệnh, cách sống chung với bệnh để có thể sống lâu cùng COPD.
Nguồn tham khảo: Everyday Health